Người trẻ tham gia nông nghiệp 4.0 - AIC FARM

image
image
image
image
{ image.description != null ? image.description : image.filename }}

Tại nhiều vùng quê, tình trạng người trẻ di cư đến các thành phố lớn tìm kiếm việc làm diễn ra khá phổ biến, khiến thiếu hụt lực lượng lao động trẻ, nhất là lao động trẻ được đào tạo bài bản. Với Lâm Đồng, tình hình khả quan hơn rất nhiều, khi người trẻ tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần hiện đại hoá canh tác nông nghiệp với việc áp dụng các ứng dụng công nghệ hỗ trợ sản xuất.

Hệ thống phun thuốc tự động OSFARM được sử dụng tại vườn của nông dân

Hệ thống phun thuốc tự động OSFARM được sử dụng tại vườn của nông dân

Nhóm bạn trẻ Nguyễn Văn Huy Dũng, Phan Trung Tính, Nguyễn Trọng Hiếu, Phạm Huy Đức (2/9 Phạm Ngũ Lão, Phường 1, TP Đà Lạt) vừa đoạt giải trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2023 với dự án Giải pháp quản lý phòng nuôi cấy mô Seedify BioLab. Nhóm bạn đều là những bạn trẻ tuổi đời dưới 30, đầu tư nghiên cứu giải pháp quản lý các phòng nuôi cấy mô cung cấp cho các phòng nuôi cấy mô tại Đà Lạt. Giải pháp quản lý phòng nuôi cấy mô Seedify BioLab cung cấp khả năng quản lý tổng thể và chi tiết cho một phòng nuôi cấy mô với quy mô lớn, giúp chủ doanh nghiệp tiết giảm chi phí nhân công cũng như hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả. 

Lựa chọn hỗ trợ nông dân tự động hoá trong canh tác, nhóm bạn trẻ Phan Bá Bình, Nguyễn Đức Toàn (1/9 Trần Nhân Tông, Phường 8, TP Đà Lạt) sản xuất Hệ thống phun thuốc tự động OSFARM và đang tích cực triển khai tới nông hộ. OSFARM được phát triển với đặc điểm tích hợp công nghệ IOT giúp vận hành hệ thống phun thuốc hoàn toàn tự động, giúp người nông dân không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giúp người nông dân bảo vệ được sức khoẻ và tiết kiệm thời gian. Hệ thống phun thuốc tự động OSFARM được nghiên cứu và ứng dụng với chi phí thấp hơn so với các sản phẩm hiện tại trên thị trường, giúp người nông dân dễ tiếp cận hơn.

Hay nhóm bạn Phạm Đức Thịnh, Võ Thành Danh, Hồ Thị Bích Vân (322/21 Đa Thiện, Phường 8, TP Đà Lạt) đã triển khai Dự án AIC FARM tại Lâm Đồng. Dự án AIC Farm là một hệ sinh thái toàn diện cho nông nghiệp, gồm AIC FARM và AIC ECOMMERCE phát triển tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và được nhóm bạn điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn tại Lâm Đồng. Dự án này nhằm tối ưu hóa sản xuất, quản lý trang trại và kết nối nông dân với thị trường qua công nghệ. AIC FARM có các tính năng nổi bật bao gồm Quản lý trang trại; Theo dõi quy trình sản xuất; Kết nối thị trường; Hệ thống quản lý kho; Chuẩn hóa sản phẩm và Tối ưu hóa hiệu suất. 

Trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2023, trong 10 dự án vào chung kết có tới 50% là các dự án hỗ trợ nông nghiệp tự động hoá 4.0. Điều đặc biệt ở các dự án là tất cả đều không phải là các dự án “trên giấy” mà đang được triển khai trong thực tế, mang lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp và nông hộ. Như dự án Tự động hoá sản xuất túi quang tự dưỡng trong nuôi cấy mô tế bào thực vật của tác giả Nguyễn Thành Đạt, đường Nguyễn Hoàng, Phường 7, TP Đà Lạt là dự án hết sức thành công với việc cung cấp hàng triệu túi quang thực dưỡng mỗi tháng cho các doanh nghiệp nuôi cấy mô, trong đó có những doanh nghiệp nuôi cấy mô xuất khẩu lớn như Công ty TNHH Sinh học Rừng hoa Đà Lạt. Các loại máy móc do Thành Đạt sản xuất cũng góp phần giúp các doanh nghiệp, nông dân hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Hay Hệ thống phun thuốc tự động OSFARM cũng đang được nhóm bạn trẻ triển khai trong thực tế với nhiều nhà vườn, vườn ươm áp dụng phun thuốc tự động. Ông Lê Sỹ Cang - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến Đà Lạt, nhà nông chuyên sản xuất cây giống đang sử dụng hệ thống phun thuốc OSFARM đánh giá: “Các bạn trẻ rất giỏi, sản xuất hệ thống phun thuốc dễ sử dụng, lại hiệu quả, nông dân chúng tôi không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo vệ sức khoẻ. Vườn của gia đình tôi cũng đang sử dụng hệ thống tưới nước tự động của OSFARM, giảm chi phí rất nhiều vì giá cũng rẻ”. 

Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng nhận xét, Lâm Đồng hiện có rất nhiều nhà nông trẻ có kiến thức, có kỹ năng hiện đại, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trở thành nông dân sản xuất giỏi. Không chỉ có nông dân trẻ trực tiếp sản xuất, nhiều bạn trẻ đã tham gia vào các khâu tự động hoá, số hoá trong nông nghiệp, hỗ trợ nông dân thay đổi trong sản xuất. Các bạn được đào tạo, chịu khó tư duy, gắn bó, hiểu biết với thực tế của nông nghiệp địa phương nên các sáng kiến, cải tiến của các bạn trẻ đều áp dụng hiệu quả trong sản xuất, được các doanh nghiệp nông nghiệp, nhà nông hưởng ứng tích cực. Sự tham gia của người trẻ trong tự động hóa, số hóa ngành Nông nghiệp như làn gió mát, đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp vươn lên thay đổi diện mạo nông nghiệp xứ cao nguyên.

Nguồn:  https://baolamdong.vn/ban-tre/202402/nguoi-tre-tham-gia-nong-nghiep-40-4701c26/

Facebook Số điện thoại Zalo